Đọc E-paper
Hội Doanh nghiệp Hóc Môn tặng nhà tình thương cho gia đình bà Trần Thị Tuyết, 18/2B ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, Hóc Môn |
Thấy tôi tò mò muốn biết vì sao Hội Doanh nghiệp huyện Hóc Môn (Hội) lại có trụ sở riêng khá khang trang với một trệt một lầu trên nền đất 150 mét vuông, anh Huỳnh Văn Hải, Chủ tịch Hội kể: Phải mất ba năm thường trực Hội lên xuống Huyện uỷ, Uỷ ban, các ban ngành liên quan của huyện, cuối cùng mới được chính quyền "cho mượn" mảnh đất từng làm xưởng in trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Trung Chánh để hội viên góp tiền xây nên trụ sở này và đưa vào hoạt động giữa năm 2008.
Tôi nghĩ, thời gian "kiếm đất" như vậy chưa phải là dài, song, như anh Hải nói, có lại nhờ có đi. Từ năm 2000, Hóc Môn là huyện đầu tiên thuộc "nhóm huyện" của TP.HCM có Câu lạc bộ Doanh nghiệp, tập hợp được 50 ông bà chủ các công ty và cơ sở sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ, hợp tác làm ăn, chẳng hạn "ông gỗ" cần "bà sơn", "bà may mặc" cần "ông bao bì"..., và chính nhờ Câu lạc bộ mà nhiều khúc mắc giữa doanh nghiệp (DN) với chính quyền được giải quyết thấu đáo, nhất là về mặt bằng và nhà xưởng cho sản xuất, kinh doanh.
Tức bước đầu, Câu lạc bộ đã bắc được nhịp cầu giữa DN với các cấp uỷ Đảng và chính quyền huyện. Mặt khác, khi cần huy động tiềm lực của DN phục vụ cho công tác xã hội chẳng hạn, chính quyền thông qua Câu lạc bộ là con đường ngắn nhất.
Tháng 9/2005, trên cơ sở Câu lạc bộ, Hội Doanh nghiệp Hóc Môn ra đời, bước đầu tập hợp được 60 hội viên, hầu hết là DN nhỏ và vừa với nghề cơ khí, may mặc, thủ công mỹ nghệ, thương mại..., và đã tổ chức đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2005-2010.
Số hội viên như vậy là không nhiều, và tiếc rằng, một số vị trong Ban chấp hành không tâm huyết tham gia công tác phát triển Hội, hoạt động không đều tay, nên phải tổ chức đại hội bất thường giữa nhiệm kỳ.
Bây giờ thì Hội đã bước vào nhiệm kỳ II (2010-2015) được hơn năm, trở thành một trong những thành viên mạnh của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.
Nhìn vào các báo cáo đóng góp của hội viên cho Hội để cứu trợ đồng bào bị thiên tai, chăm lo đời sống đồng bào nghèo và nộp vào các quỹ từ thiện thì thấy con số không nhỏ: nhiệm kỳ I xấp xỉ 2 tỷ đồng, trong đó riêng xây dựng phòng học cho một số xã nghèo trong huyện và ở tỉnh Long An đã là 1,2 tỷ đồng.
Riêng năm 2011, tổng số tiền giúp đỡ đồng bào nghèo và các công tác xã hội khác do Hội vận động và do các DN tự chi đã là 340 triệu đồng. Trách nhiệm với cộng đồng cao như vậy của những doanh nhân vốn liếng không lớn, công nhân không nhiều, ở một huyện không giàu như
Hóc Môn là rất đáng ghi nhận!
Ban chấp hành đều đặn hằng tháng họp một lần và lần nào cũng gần đủ mặt 15 uỷ viên để nắm bắt việc kinh doanh của hội viên, từ đó, nếu hội viên có khó khăn gì mà Hội có thể tháo gỡ được thì chung tay giải quyết, còn những việc "quá tầm với" thì đề đạt lên UBND hoặc các ban ngành của huyện.
Ban chấp hành Hội còn duy trì họp với lãnh đạo huyện một quý một lần, và đều đặn một năm hai lần, Hội tổ chức để lãnh đạo huyện gặp gỡ doanh nhân huyện nhà, ngoài việc thăm hỏi, động viên, còn để chính quyền nắm bắt những vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời cho DN.
Hội còn hỗ trợ hội viên bằng việc cung cấp kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật cũng như những chính sách kinh tế mới nhất của Nhà nước; kịp thời giới thiệu những buổi tập huấn về quyết toán thuế, kỹ năng đàm phán, ký kết, giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại; giới thiệu các cuộc hội thảo về thị trường Nhật Bản, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xuất khẩu vào thị trường EU, về việc nuôi chim yến... và giới thiệu DN tiếp cận Quỹ Bảo lãnh tín dụng cùng một số ngân hàng để có thể vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh; giới thiệu hội viên tham gia các hội chợ được tổ chức tại TP.HCM.
Hội Doanh nghiệp Hóc Môn có nguồn thu chủ yếu từ hội phí (thành viên Ban chấp hành 5 triệu đồng/năm, hội viên 2,4 triệu đồng/năm), nhưng khác với nhiều hội, ít nhất cũng thu được 80% trong số ấy. Nhưng như anh Hải nói, muốn phục vụ hội viên thật tốt, không thể dựa vào hội phí mà phải tìm cách làm ra tiền.
Vì thế mà Hội đã thành lập Công ty cổ phần Doanh nghiệp Hóc Môn và được UBND huyện giao đầu tư xây dựng cụm công nghiệp xã Xuân Thới Sơn với diện tích khoảng 78 ha. Hy vọng vài năm nữa, khi cụm công nghiệp này đi vào hoạt động thì không những nhiều hội viên có thêm thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh mà Hội cũng sẽ có "của ăn của để".
No comments:
Post a Comment