Làm gì để quá trình tái cấu trúc DNNN thực sự hiệu quả?
|
EVN đầu tư vào nhiều lĩnh vực không hiệu quả, lỗ nặng trong 2 năm vừa qua. Ảnh: TL |
Sớm có Luật đầu tư công
Yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đòi hỏi Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Một nghịch lý là, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật quản lý vốn Nhà nước hoặc Luật đầu tư công để điều chỉnh các hoạt động đầu tư công, trong đó có đầu tư của các DNNN trong 2 dạng: vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Về dài hạn, cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội, tiết giảm việc cấp vốn ngân sách cho nhu cầu đầu tư của khối các Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước.
Đặc biệt, cần phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp, từ Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Việc đầu tư, kế hoạch hàng năm, huy động vốn... thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng. Nghiên cứu phân cấp cho Hội đồng thành viên có thẩm quyền quyết định thành lập chi nhánh. Việc thành lập mới doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu. Việc huy động vốn có liên quan đến ngoài nước phải có thẩm định của Bộ Tài chính. Xây dựng Nghị định riêng đối với SCIC theo nguyên tắc tập trung vốn của các doanh nghiệp nhỏ để đầu tư cho doanh nghiệp lớn…
Xác định rõ tiêu chí
Về số lượng, từ khoảng 12.000 doanh nghiệp vào năm 1991 nay còn khoảng 1.500 DNNN; quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu tăng lên hàng chục lần so với trước khi tổ chức lại. Hiện cả nước có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước đang hoạt động, với nguồn vốn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, mục tiêu tổ chức sắp xếp lại DNNN đề ra đã không đạt được, tiến trình cổ phần hoá bị trì trệ. |
Nguyên nhân yếu kém của khối DNNN được giải thích bởi đầu tư không hợp lý, thiếu tập trung và dứt điểm cho các công trình trọng điểm có khả năng lan toả, dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ngoài ra còn bởi cơ chế quản lý kém, thiếu minh bạch, khép kín, nạn tham nhũng, lợi ích cục bộ, phe nhóm, địa phương, sự nể nang cảm tính và tư duy nhiệm kỳ; thiếu kiểm soát và chế tài kịp thời, nghiêm khắc, thiếu phối hợp đồng bộ các chính sách, các cấp, ngành.
Thế nên, cần khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để tái cấu trúc tổ chức và quản lý DNNN, khắc phục tình trạng trì trệ hoặc lạm dụng, trục lợi, thậm chí tái cấu trúc kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" trong phân công chủ quản và "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong chỉ đạo, điều hành…
Cần xây dựng bộ tiêu thức phù hợp và chuẩn hoá để tạo căn cứ lựa chọn và thông qua các dự án theo lĩnh vực và yêu cầu đầu tư, mục tiêu kinh tê - xã hội, môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và địa phương, ngành. Cần có phân biệt 2 loại mục tiêu và 2 loại tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công - đầu tư vì lợi nhuận và đầu tư phi lợi nhuận, khắc phục sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận, cũng như giữa trách nhiệm xã hội của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với ổn định kinh tế vĩ mô với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dễ dẫn đến đầu tư của tập đoàn vừa bị phân tán, vừa dễ bị lạm dụng, kém hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, chỉ duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong những ngành, lĩnh vực mà nhà nước cần độc quyền, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế.
Ngoài ra cần ưu tiên xây dựng các mô hình tập đoàn kinh tế đa sở hữu, với vai trò nòng cốt là DNNN , đảm nhận vai trò chủ lực trong nền kinh tế, được vận hành theo đúng quy luật kinh tế trên cơ sở sự tự nguyện thoả thuận liên kết, hợp tác giữa các pháp nhân độc lập.
Kiên quyết chấm dứt đầu tư ngoài ngành
Bên cạnh việc chấm dứt đầu tư dàn trải ngoài ngành trước năm 2015 như yêu cầu của Hội nghị Trung ương 3 đã đề ra, cần tập trung phát triển DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân. Đó là các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu chỉnh sửa giảm tỷ trọng xuống dưới 10%, thậm chí bãi bỏ sớm quy định cho phép DNNN được phép đầu tư "trái ngành" tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư, vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mức vốn đầu tư công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng mức vốn góp của công ty mẹ và công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn…
Thực hiện quyền đi kèm trách nhiệm
Cần thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp... Đổi mới quản trị và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo hướng chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường đối với những hoạt động kinh doanh vị lợi nhuận…
Trước mắt, cần sửa đổi ngay những quy định không phù hợp liên quan đến vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, chọn đối tác chiến lược, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động... Đồng thời, làm rõ hơn vai trò của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu; quyền chủ động điều hành sản xuất, kinh doanh của tập đoàn với yêu cầu đầu tư của Nhà nước vì lợi ích chung; vai trò và cơ chế trách nhiệm, quyền lợi của HĐQT hoặc Hội đồng thành viên. Đặc biệt, sự phân cấp quản lý cần thống nhất và rõ ràng, gắn với chịu trách nhiệm liên đới của từng tổ chức, cá nhân trong quản Bên cạnh hệ thống giám sát nhà nước, cũng cần xem xét bổ sung quy định các hoạt động đầu tư công chịu sự giám sát của cộng đồng, xác lập quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong vai trò giám sát đối với các hoạt động đầu tư của DNNN.
Ts.Nguyễn Minh Phong
(Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội)
No comments:
Post a Comment