Lãi lớn khi "xẻ thịt" tàu Bạch Đằng Giang?
Ngay khi bước vào ngày xét xử thứ hai, HĐXX đã tiến hành xét hỏi những người có liên quan đến việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang tại Cty CNTT Nam Triệu. Chính từ vụ việc này mà ông Trần Quang Vũ - nguyên TGĐ Vinashin, nguyên TGĐ Cty CNTT Nam Triệu - bị bắt giam, truy tố trước toà.
Vụ việc xảy ra vào năm 2001, Vinashin mua tàu MV Rayna của Campuchia với giá 1,22 triệu USD để phá dỡ bán sắt vụn. Sau khi mang tàu về VN, Vinashin đã giao cho Cty Viễn Dương quản lý, để hoán cải thành tàu vận tải và đổi tên thành tàu Bạch Đằng Giang. Khi Cty Viễn Dương không thực hiện được dự án, ông Bình đã ký quyết định chuyển giao tàu cho Cty Nam Triệu quản lý, sử dụng và lên phương án hoán cải tàu thành khách sạn nổi 4 sao.
Sau khi tính toán chi phí và thấy rằng việc hoán cải thành khách sạn nổi 4 sao chi phí quá cao nên ông Trần Quang Vũ đã có văn bản xin phép Vinashin bán tàu Bạch Đằng Giang và đã được lãnh đạo Vinashin chấp thuận. Cty Nam Triệu đã thực hiện bán đấu giá tàu Bạch Đằng Giang với giá khởi điểm là 149,4 tỉ đồng nhưng không bán được vì người trả giá cao nhất là 75 tỉ đồng.
Sau khi bán đấu giá không thành công, ông Trần Quang Vũ đã chỉ đạo phá dỡ lấy thiết bị trên tàu đồng thời bán vỏ tàu với giá 66,1 tỉ đồng để thu hồi vốn. Số thiết bị của tàu còn lại được Ban định giá tài sản của Cty Nam Triệu tự định giá 109 tỉ đồng và đã bán được một số thiết bị trị giá hơn 9 tỉ đồng. Cơ quan công tố cho rằng việc tự định giá và quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản nêu trên là không đúng thẩm quyền vì tàu Bạch Đằng Giang vẫn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Vinashin. Cty Nam Triệu chỉ được giao quản lý, sử dụng và gây thiệt hại số tiền là 27,3 tỉ đồng là những khoản tiền lãi vay phải trả từ khi bán vỏ tàu.
Tuy nhiên khi được HĐXX hỏi: "Cho đến thời điểm này, Cty Nam Triệu có yêu cầu bồi thường gì không?". Đại diện Cty Nam Triệu khẳng định: "Cty Nam Triệu không bị thiệt hại gì cả nên không có yêu cầu bồi thường". Giải thích câu trả lời này, vị đại diện cho rằng Cty Nam Triệu có đủ thẩm quyền bán tàu bởi đã được phép và chuyển giao quyền sở hữu của Vinashin, đồng thời việc bán vỏ tàu có lãi lớn vì nếu bán cả tàu chỉ thu được 75 tỉ đồng, trong khi đó chỉ bán riêng vỏ tàu đã được 66 tỉ đồng và còn dôi ra một số lượng thiết bị lớn có giá trị trên 100 tỉ đồng để lắp đặt cho những con tàu khác.
Khi được hỏi: "Số tiền thiệt hại gây ra do lãi vay này là phát sinh từ khi Nam Triệu nhận tàu hay từ khi dỡ tàu?". Ông Phạm Hoài Long - đại diện Vinacontrol - trả lời chung chung rằng: "Khi chưa dỡ tàu thì các khoản lãi được hạch toán vào chi phí sản xuất của DN".
Luật sư vặn: "Việc khảo sát thực trạng con tàu được tiến hành từ 4 đến 5/1/2011 và theo thống kê có khoảng 3.569 sản phẩm. Với thời gian như vậy, đoàn công tác làm thế nào để thẩm định, đánh giá hết chừng ấy thiết bị? Làm sao để biết thiết bị nào còn hoạt động, thiết bị nào không?".
Trước câu hỏi khó này, bà Nguyễn Thanh Nhàn (đồng đại diện Vinacontrol) phản ứng gay gắt: "Chúng tôi làm đúng quy định của pháp luật, nếu luật sư có đối chất đề nghị có công văn đối chất sang Vinacontrol".
Luật sư truy tiếp: "Nếu làm đúng thì bà giải thích tại sao có 1 chi tiết đó là cẩu trên boong có giá hơn 3 tỉ đồng có trong danh mục linh kiện mà Vinacontrol bỏ qua không thẩm định giá?". Bà Nhàn không trả lời được câu hỏi này.
Vinashin góp "nước bọt" trong dự án nhiệt điện Sông Hồng?
Tại dự án đầu tư NM nhiệt điện Sông Hồng do Cty CP Hoàng Anh Vinashin làm chủ đầu tư, khi được HĐXX thẩm vấn, các bị cáo Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên (nguyên GĐ Cty CP Hoàng Anh Vinashin) đều khẳng định: "Việc có 51% ấy Vinashin chỉ góp bằng danh nghĩa, bằng thương hiệu chứ chưa có một đồng nào".
"Ông Tuyên là người đại diện theo pháp luật của Cty CP, vậy ông lấy tư cách gì để phê duyệt dự án đầu tư?" - HĐXX hỏi. Ông Bình đã thừa nhận việc ký đó là sai Luật DN, nhưng sau đó lại cho rằng: "Tôi nghĩ tôi ký theo tỉ lệ vốn góp 51%".
"Tiền anh cho Cty Hoàng Anh vay để làm gì?" - HĐXX hỏi. "Tôi cho họ vay là để đóng tàu" - ông Bình đáp. "Ông có biết họ lấy tiền đó để giải ngân cho dự án nhiệt điện không?" - HĐXX truy. "Tôi biết, nhưng DN họ có thể sử dụng tiền nhàn rỗi đó vào việc đầu tư khác trong ngắn hạn" - ông Bình trả lời.
Ông Bình cũng cho rằng VKS cáo buộc ông ký quyết định đầu tư NM nhiệt điện là vượt thẩm quyền, bởi đây là dự án nhóm A là không có căn cứ bởi quyết định này được ký trước tháng 8/2006 và đây là NM điện độc lập vì thế nó vẫn nằm trong quy định dự án nhóm B. Ông này cũng cho rằng thiệt hại chỉ xảy ra khi dự án không được phê duyệt. "Nếu dự án được duyệt thì với máy móc và công nghệ ấy, tôi tin rằng nó sẽ hoạt động có lãi" - ông Bình khẳng định.
Khi được xét hỏi, ông Nguyễn Tuấn Dương (Chủ tịch HĐQT Cty Cửu Long) thừa nhận đã có những hành vi như trong cáo trạng nêu, nhưng ông này cho rằng việc quy kết là đồng phạm với Phạm Thanh Bình và Nguyễn Văn Tuyên trong việc cố ý làm trái là không đúng.
"Cty chúng tôi chỉ là đối tác nhận thầu khoán cung cấp thiết bị theo hợp đồng với Cty CP Hoàng Anh Vinashin mà thôi. Chúng tôi làm việc này là theo hợp đồng kinh tế có tính chất dân sự" - ông Dương khẳng định.
Cũng tại phần này, vấn đề giám định lại được các luật sư làm nóng lên khi liên tục đưa ra những câu hỏi đại diện Vinacontrol về căn cứ đưa ra những con số thiệt hại. Ông Phạm Hoài Long cho biết: "Chúng tôi chỉ đưa ra những con số, còn kết luận thế nào là của cơ quan điều tra".
Hôm nay (29/3), VKS sẽ đề nghị mức án đối với các bị cáo và bước vào phần tranh luận.
Theo Chí Tùng
Lao động